Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm.

1. Đường lây truyền của bệnh Sởi
Bệnh sởi lây
truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn
ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc tiếp xúc trực tiếp
với chất tiết đường mũi họng của người bệnh.
Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người
như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… chính vì vậy bệnh dễ lây thành dịch.
Giai đoạn người bệnh có khả năng lây bệnh cho người khác là từ 5 ngày trước cho
tới 5 ngày sau giai đoạn phát ban của người bệnh.
2. Những người có nguy cơ mắc bệnh Sởi
Bất kể ai từ người lớn đến trẻ nhỏ chưa từng
tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người bị sởi đều có nguy cơ mắc
bệnh. Trong đó trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc sởi cao nhất.
3. Triệu chứng của bệnh Sởi
Đối với thể điển hình:
Giai đoạn ủ bệnh: từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày).
Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Từ 2-4 ngày với
các biểu hiện sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có
viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1
mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong
miệng, ngang răng hàm trên).
Giai đoạn toàn phát: kéo dài từ 2-5 ngày. Thường sau khi sốt
cao 3-4 ngày, người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì
tan biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân
mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân
thì thân nhiệt giảm dần.
Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong
vẩy phấn xẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi
xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo
dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
Ở thể không điển hình:
Biểu hiện có thể chỉ có sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ,
phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà
không biết.
Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban
không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm
theo.
4. Biến chứng:
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy
hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy, khô loét giác
mạc mắt, bùng phát lao tiềm ẩn, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong,
bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
5. Chăm sóc và điều trị tai nhà:
Hiện nay, bệnh sởi chưa có điều trị đặc hiệu.
Nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Với
trẻ nhỏ, cần chú ý không cho trẻ bị bệnh tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải
nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường.
Uống thuốc hạ
sốt khi sốt từ 38,5 độ C trở lên, nhỏ mắt bằng nước muối 0,9%, bổ sung vitamin
A để dự phòng thiếu vitamin A, giúp bảo vệ mắt nhưng phải theo hướng dẫn của
bác sĩ.
Vệ sinh thân
thể, thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng
sạch sẽ.
Không kiêng khem
trong chế độ ăn. Đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các loại hoa quả
có màu đỏ, màu cam, uống nhiều nước.
Người chăm sóc
cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc. Trẻ còn bú mẹ vẫn
tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý, chế biến thức ăn: mềm dễ
tiêu, nấu chín kỹ, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Thời gian người
bệnh cần cách ly là từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 5 ngày sau khi bắt đầu
phát ban.
Trong thời gian
chăm sóc và điều trị tại nhà, người bị sởi có các dấu hiệu bất thường như xuất
hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, có biểu hiện chói mắt hoặc có các biểu
hiện bất thường khác... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám lại và xử trí
kịp thời.
6. Các cách
phòng tránh:
Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng
bệnh. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của
cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.
Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi
đến chỗ đông người hoặc bệnh viện.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ.
Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
Uống đầy đủ nước mỗi ngày.
Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A như cà rốt, các loại rau
xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam.