In   2/1/2012 3:02:00 PM
KỶ NIỆM 82 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG CSVN: NĂM 2011 VỚI NHỮNG THÀNH TỰU ĐÁNG TRÂN TRỌNG Kết thúc năm 2011 với nhiều khó khăn thách thức từ diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới cũng như những thiệt hại do hậu quả của thiên tai, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng:

Co Dang.jpg


Tăng trưởng trong khó khăn

Có thể khẳng định, việc tập trung thực hiện các giải pháp chính sách đề ra trong hai Nghị quyết 02/NQ-CP và 11/NQ-CP đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%, chỉ số giá tiêu dùng cả năm là 18,13% là một cố gắng vượt bậc.

Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát, cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô gắn với đó là duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Thu ngân sách Nhà nước vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% so với thực hiện năm 2010 đã góp phần giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống còn khoảng 4,9%, đồng thời kiểm soát nợ công nhằm đảm bảo an toàn an ninh tài chính quốc gia.

Kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 11. Thị trường ngoại tệ và tỷ giá ngoại tệ từng bước ổn định.

Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với sự chỉ đạo của Chính phủ. Dự trữ ngoại hối đã tăng từ 3,5 tuần nhập khẩu trong quý 1/2011 lên khoảng 7,5 tuần nhập khẩu vào quý 3/2011.

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới giảm đáng kể mặc dù giá vàng thế giới vẫn ở mức cao.

Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 6%, đây là mức tăng khá cao trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát. Theo đó, ngành nông nghiệp đạt mức kỷ lục về sản lượng lương thực (42,2 triệu tấn), tăng 2,2 triệu tấn so với năm 2010, tạo điều kiện bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội ở nông thôn và cả nước, tăng xuất khẩu và nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm tăng khoảng 24%. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010 và cao gấp hơn 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 10%. Tỷ lệ nhập siêu bằng khoảng 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được Quốc hội thông qua là không quá 18% cũng như mục tiêu đề ra trong nghị quyết 11 là không quá 16%. Cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 ước thặng dư khoảng 2,5 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với mức thâm hụt 3,07 tỷ USD của năm 2010.

Nâng cao hiệu quả đầu tư công, các cấp, các ngành đã đồng loạt các giải pháp cắt giảm 81.500 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước để điều chuyển cho các dự án hoàn thành, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ. Nhờ vậy, số dự án hoàn thành trong năm nay đã tăng thêm 1.053 dự án trong khoảng 4.400 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng của năm 2011.

Tạo đà cho năm 2012

Mục tiêu của năm 2012 được Chính phủ đưa ra là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức 6% và nếu điều kiện thuận lợi là 6,5% gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế…. Động lực để tạo đà cho năm 2012 đó chính là thực hiện toàn diện, lâu dài và có hiệu quả các giải pháp để tái cấu trúc toàn nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 7 nhóm giải pháp lớn, trong đó xác định kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô là nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo điều hành nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, tạo đà phát triển vững chắc cho năm 2012 và các năm tiếp theo. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt một cách đồng bộ, hệ thống các giải pháp về tiền tệ, tài khóa, giá cả, thị trường và kiểm soát nhập siêu.

Nguồn TTXVN/Vietnam